Người ta sở dĩ được gọi là người, là nhờ có lòng trắc ẩn. Cho nên Mạnh Tử nói: “Ai không có lòng trắc ẩn thì không thể gọi là người!”
Cầu lòng nhân chính là cầu tấm lòng trắc ẩn này, tích đức cũng chính là tích chứa tấm lòng trắc ẩn. Cho nên có lòng trắc ẩn là có nhân, có đức; không lòng trắc ẩn là không nhân nghĩa, đạo đức. Sách Châu Lễ bảo: Mỗi năm vào tháng Giêng, khi các loài gia súc đang có mang, thì không được giết con cái để cúng tế. Đây là vì sợ sát hại đến con vật khi còn trong bụng mẹ.
Mạnh tử nói: “Quân tử tránh xa nhà bếp”. Ý nói là để bảo toàn lòng trắc ẩn của mình. Cho nên, có thuyết không ăn ba thứ thịt, đó là: thấy con vật bị giết, nghe tiếng kêu lúc bị giết, và nghi người khác vì mình mà giết. Người sau muốn học theo lòng nhân của người trước, nếu không thể tức thời trường trai, thì cũng có thể học theo cách trên, chỉ ăn ba thứ thịt thanh tịnh, không để tổn đến lòng từ bi.
Theo Phật pháp, tất cả loài súc sinh đều do đời trước gây tạo tội nghiệp nên phải đầu thai làm súc vật để trả nghiệp, nghiệp hết lại sinh làm người. Nếu lại biết tu hành, vẫn có thể thành Phật. Cho nên, ta ăn thịt loài súc vật cũng chính là ăn thịt chư Phật đời vị lai. Lại nữa, tất cả chúng sinh trong quá khứ từng là cha mẹ, anh em, chồng vợ, quyến thuộc lẫn nhau, nên ta ăn thịt chúng sinh cũng chính là ăn thịt cha mẹ, anh em, chồng vợ, quyến thuộc của mình trong đời quá khứ.
Ta nay ăn thịt chúng sinh tức là đã kết nghiệp oán thù, sau này phải đọa làm loài súc sinh, bị ăn nuốt trở lại. Nếu ta biết quán xét những đạo lý trên, thử hỏi còn lòng dạ nào sát sinh, ăn thịt? Lại nữa, thịt cá có ngon cũng chỉ qua miệng là hết, khỏi cổ đã biến thành đồ bất tịnh, sao ta lại tham chút vị giác đó mà gây tạo nghiệp tội nặng nề? Ăn để mà sống, không phải sống để mà ăn, cho nên rau cải, thực vật cũng đủ qua ngày.
Ngưòi chưa thể bỏ ngay được việc ăn thịt, cũng phải lần lần giảm bớt, đến khi ăn chay hoàn toàn. Như vậy lòng từ bi sẽ gia tăng mỗi ngày.
Ăn chay, chủ yếu là vì tránh sát sinh, nuôi dưỡng lòng từ bi. Cho nên ta phải tôn trọng, bảo vệ mạng sống của mọi loài, cho dù là trùng kiến nhỏ nhoi. Ngay cả mặc những đồ tơ lụa, được dệt bằng tơ tằm cũng phải nên tránh. Ngay cả chén cơm ta ăn hàng ngày, cũng phải trải qua quá trình cày cuốc vun trồng, nấu nướng, trong đó có biết bao côn trùng đã chết để nuôi mạng sống cho ta. Nghĩ đến điều này, ta phải quý tiếc cơm gạo, không được phung phí, coi thường. Ai phung phí coi thường cơm gạo thức ăn, tức đồng với tạo tội sát sinh không khác. Còn như trong cuộc sống hàng ngày vô ý lỡ sát sinh, hay giẫm đạp lên loài trùng kiến thì không biết nhiều đến số bao nhiêu. Cho nên phải cẩn thận tránh được nhiều chừng nào tốt chừng nấy.
Tô Đông Pha từng có câu thơ:
Vì thương chuột đói, chừa cơm lại
Sợ thiêu thân chết, chẳng thắp đèn!
Thật là nhân hậu biết bao.
Việc thiện thật vô cùng vô tận, không nói sao cho hết được. Chỉ có thể lược nói mười việc thiện như trên. Chỉ cần chúng ta nổ lực hành thiện, tùy chỗ tùy duyên, thì công đức sẽ vô lượng.
Cứu giúp người nguy khó, cách thức có rất nhiều, nói đơn giản mười điều: một, giúp người làm thiện; hai, giữ lòng yêu kính; ba, thành tựu cho người; bốn, khuyên người làm lành; năm, cứu người nguy cấp; sáu, làm việc lợi lớn; bảy, xả tài làm phước; tám, hộ trì chánh pháp; chín, kính trọng tôn truởng; mười, yêu tiếc sinh mạng.
Làm Chủ Vận Mệnh
TT.Thích Minh Quang Biên Dịch
Ban Ấn Tống Giác Nguyên
129F/186/2 Bến Vân Đồn, P.4, Q.4, T.P. HCM (GP.117-88/XB/01.2001)