Sao gọi là làm thiện có thật có giả? Vào thời Nguyên có mấy vị Nho học đi tham kiến Hòa thượng Trung Phong ở núi Thiên Mục, hỏi rằng: “Nhà Phật nói thiện ác báo ứng như bóng theo hình, vậy sao hiện nay có người làm thiện mà con cháu trái lại không hưng vượng? Có người làm ác mà con cháu lại phát đạt? Vậy lời Phật nói về thiện ác không chứng cứ!”
Hoà thượng Trung Phong đáp: “Người bình thường bị kiến giải thế tục che lấp, tâm sáng suốt chưa từng được tẩy gội. Vì pháp nhãn chưa mở, nên nhiều khi họ cho rằng hành vi làm thiện đó là làm ác; hành vi làm ác lại cho là làm thiện. Ta làm sai, nhiều lúc không biết tự trách mình điên đảo, lại oán trời trách đất, bảo là báo ứng không đúng.
Mọi người lại hỏi: “Thiện là thiện. Ác là ác. Sao lại có chuyện thiện ác trái ngược?”
Hòa thượng Trung Phong nói: “Làm việc lợi ích cho người gọi là thiện; làm chỉ có lợi cho mình gọi là ác. Làm việc lợi ích cho người, dù là mắng chửi, đánh đập, cũng là thiện; còn việc chỉ có lợi cho mình, cho dù cung kính, lễ độ với người cũng gọi là ác. Cho nên, một người làm được việc thiện, khiến người khác có được lợi ích gọi là việc công, cũng tức là việc thiện chân thật;
Còn chỉ muốn mình được lợi ích, gọi là việc tư, tức là việc thiện giả dối. Lại nữa, việc thiện xuất phát từ lương tâm, từ tâm từ bi của mình gọi là chân thật; còn việc thiện nếu chỉ có hình thức, làm cho người ta thấy mà thôi thì gọi là giả dối. Lại nữa, làm việc thiện không cầu quả báo, không có chấp trước, đó là chân thật; song nếu chấp vào mục đích nào, có tâm mong cầu quả báo để làm việc thiện, đó là giả dối. Những việc làm thiện như vậy, mình phải cẩn thận suy xét mới được.
Làm Chủ Vận Mệnh
TT.Thích Minh Quang Biên Dịch
Ban Ấn Tống Giác Nguyên
129F/186/2 Bến Vân Đồn, P.4, Q.4, T.P. HCM (GP.117-88/XB/01.2001)